Internet đang thay đổi như thế nào? Sự thống trị của AI và cuộc cách mạng thầm lặng
“Đừng tin tất cả những gì bạn nghe và chỉ tin một nửa những gì bạn thấy.”
Câu nói này càng trở nên sâu sắc hơn trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI).
Internet, kể từ khi ra đời, đã nhanh chóng trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Trong vài thập kỷ qua, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc của internet, nơi con người từ khắp nơi trên thế giới có thể chia sẻ kiến thức, ý tưởng, và sáng tạo mà không gặp phải rào cản nào. Tuy nhiên, thời kỳ hoàng kim của internet đang đối mặt với một nguy cơ lớn: sự xâm nhập và thống trị của AI.
AI hiện diện ngày càng mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực của không gian mạng, từ việc sản xuất nội dung tự động, tạo ra các thuật toán tìm kiếm thông minh cho đến việc xác định những gì người dùng nhìn thấy và tiêu thụ hàng ngày. Điều này đang dần phá vỡ hệ sinh thái phức tạp mà internet đã xây dựng trong suốt nhiều năm qua, nơi những nhà văn, nghệ sĩ và các sáng tạo có thể kết nối trực tiếp với người xem và tạo dựng những mối quan hệ chân thực.
Internet trước đây giống như một cuốn nhật ký, nơi con người có thể thể hiện những điều họ không thể bày tỏ trong thế giới thực. Điều thú vị là, trước đây đã từng tồn tại một ranh giới rõ ràng giữa “thế giới thực” và “thế giới trực tuyến”. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, những ranh giới đó đã mờ nhạt. Internet không còn chỉ là một công cụ kết nối thông tin mà đã trở thành một thế giới sống động, nơi mà AI ngày càng chiếm lĩnh, và con người phải đối mặt với câu hỏi liệu chúng ta có thể duy trì được sự tự do sáng tạo trong một không gian mà công nghệ này ngày càng kiểm soát.
Việc AI gia tăng ảnh hưởng trong thế giới mạng chắc chắn sẽ tác động đến các cá nhân và đặt ra nhiều thách thức lớn cho các tổ chức trong tương lai.
Sự xâm nhập của AI vào Internet
Từ khi ra đời, Internet được xem như là một công cụ giúp các nhà nghiên cứu và học giả chia sẻ thông tin một cách nhanh chóng và hiệu quả. Trong giai đoạn đầu, nó là một không gian dành riêng cho những người có kỹ năng công nghệ – những người có khả năng điều hướng các giao diện cơ bản và đối mặt với những hạn chế của không gian mạng thời kỳ sơ khai.
Tuy nhiên, khi internet ngày càng trở nên phổ biến và dễ tiếp cận hơn, nó mở ra một thế giới đầy tiềm năng cho giao tiếp, thương mại và giải trí. Sự xuất hiện của các nền tảng mạng xã hội như Facebook và Twitter vào những năm đầu thế kỷ 21 đánh dấu một cuộc cách mạng, biến internet trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Internet trở thành trung tâm của các hoạt động xã hội và trao đổi thông tin, phát triển thành một công cụ thiết yếu được 67% dân số thế giới sử dụng. Tuy nhiên, vào năm 2024, một yếu tố mới đã thay đổi hoàn toàn diện mạo của internet: trí tuệ nhân tạo (AI).
Từ các thuật toán công cụ tìm kiếm cho đến những dòng thông tin trên mạng xã hội, từ việc tạo và biên tập nội dung đến việc phân phối thông tin, AI đã hiện diện khắp nơi. Những thuật toán mạnh mẽ do AI điều khiển giờ đây không chỉ đơn thuần hỗ trợ mà còn chi phối một phần lớn nội dung mà chúng ta tiếp cận hàng ngày. AI đã trở nên phổ biến đến mức nội dung được tạo ra bởi AI bắt đầu chiếm lĩnh những nội dung do con người sáng tạo.
Các công cụ AI hiện nay có thể tự động tạo ra một lượng lớn bài viết, từ các bài báo tin tức đến các bài đăng trên mạng xã hội. Có khả năng rất cao một phần, nếu không phải là toàn bộ nội dung người dùng tiêu thụ, đều đã được tạo ra hoặc ảnh hưởng bởi AI. Điều này có thể hữu ích trong các công việc như tạo mô tả sản phẩm hay tóm tắt các chủ đề phức tạp. Tuy nhiên, với khối lượng nội dung khổng lồ này khiến người dùng ngày càng khó phân biệt giữa thông tin do con người sáng tạo và nội dung do máy móc sản xuất. Thực tế, hiện tượng này đã dẫn đến một thuật ngữ mới: “AI Slop” (nội dung rác AI), ám chỉ những nội dung kém chất lượng, thậm chí không mong muốn, được tạo ra tự động bởi AI và góp phần làm “ô nhiễm” không gian mạng.
Sự tích hợp AI vào internet diễn ra nhanh đến mức các tập đoàn, với tham vọng tìm kiếm hiệu quả, sự cá nhân hóa trải nghiệm và đổi mới, đã đẩy mạnh việc sử dụng AI mà không tính đến những hậu quả lâu dài.
Sự đồng nhất hóa nội dung
Từ kết quả tìm kiếm trên các công cụ tìm kiếm cho đến các bài đăng trên mạng xã hội, AI đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành những gì chúng ta thấy và đọc.
Ban đầu, AI được coi là công cụ để nâng cao trải nghiệm người dùng thông qua việc cung cấp các gợi ý cá nhân hóa. Tuy nhiên, ngày nay, AI không chỉ đơn thuần là người hỗ trợ mà còn tham gia trực tiếp vào việc xây dựng các nội dung, mà không có bất kì cơ chế kiểm chứng hay giám sát nào để đảm bảo tính chính xác thông tin mà AI tạo ra. Các thuật toán của AI vốn được thiết kế để tối ưu hóa mức độ tương tác hơn là độ chính xác, dẫn dắt người dùng đi vào những hố thỏ1 (“rabbit hole”) đầy rẫy thông tin sai lệch và gây tranh cãi.
Khả năng tạo ra thông tin sai lệch của AI, bao gồm cả âm thanh và video giả mạo, tiếp tay cho sự lan truyền thông tin sai lệch trên các nền tảng mạng xã hội. Những thông tin này, được thiết kế để dễ dàng trở thành viral, tạo nên một công thức hoàn hảo cho thảm họa truyền thông. Mặc dù với những người dùng tỉnh táo, việc phân biệt giữa thông tin thật và giả có thể không quá khó khăn, nhưng ranh giới này đã bắt đầu mờ dần.
Thế giới vốn đã bị chia rẽ bởi nhiều vấn đề, và sự tràn ngập thông tin sai lệch do AI tạo ra chỉ làm những chia rẽ đó sâu sắc hơn bao giờ hết. Tin giả và tuyên truyền không chỉ có thể thay đổi dư luận, mà còn ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử và thậm chí là kích động bạo lực. Internet từng là biểu tượng của sự kết nối và tri thức, mà giờ đây đang trở thành chiến trường – nơi sự thật và giả dối đang đối đầu.
Chúng ta có thể cảm thấy như đang đi vòng tròn, một một vòng tròn không bao giờ kết thúc: chúng ta tạo ra internet để phục vụ cho cuộc sống, rồi lại tạo ra AI để tự động hóa những công việc nhàm chán, dành thời gian cho những công việc ý nghĩa hơn. Tuy nhiên, chúng ta lại bắt đầu dùng AI để làm những việc mà lẽ ra con người phải làm: tạo ra nghệ thuật và những sản phẩm có ý nghĩa. Chúng ta vô tình tạo ra một công cụ vượt qua chính mình và giờ đây, lo ngại rằng chính sản phẩm của chúng ta sẽ thay thế chúng ta. Chính trong hành trình tìm kiếm sự tiện lợi và hiệu quả, chúng ta có thể sẽ mất đi sự chân thật và sự phong phú đã làm nên bản sắc của internet từng mang lại.
Bảo vệ và duy trì giá trị sáng tạo, nội dung chân thực
Internet phát triển mạnh mẽ nhờ vào khả năng trao đổi thông tin toàn cầu, nhưng giá trị thực sự của nó nằm ở khả năng giúp chúng ta phân tích và đánh giá thông tin, từ đó đưa ra những kết luận độc lập.
Hiện tượng nội dung trên internet ngập tràn và dễ dàng tiếp cận đang làm một vấn đề cấp bách nổi lên: quá tải thông tin. Người dùng bị “tấn công” bởi một lượng thông tin khổng lồ, dễ tiêu thụ, nhưng thường thiếu chiều sâu và bối cảnh. Đây là lý do khiến xu hướng tiêu thụ nội dung “ăn liền” – các video ngắn, tiêu đề giật gân và bài viết dạng danh sách – đang ngày càng trở nên phổ biến – thay thế các bài phân tích chi tiết và các bài viết chuyên sâu. Các thuật toán, có thể bị ảnh hưởng bởi AI, khai thác thói quen này bằng cách thúc đẩy các tiêu đề câu kéo và tính năng cuộn vô hạn, khiến người dùng gặp khó khăn trong việc duy trì sự tập trung và suy nghĩ phản biện. Hậu quả của điều này không chỉ dừng lại ở mức độ giải trí, mà còn tạo ra những khó khăn trong việc tiếp cận các chủ đề phức tạp, dễ bị thao túng bởi thông tin sai lệch và sự suy giảm khả năng tư duy phản biện đang trở thành những vấn đề nghiêm trọng.
Một vấn đề đáng lo ngại hơn là sự gia tăng của các nội dung được tạo ra bởi AI. Thông tin vốn được lọc qua thuật toán, khiến người dùng ít có động lực để kiểm chứng nguồn gốc, tìm kiếm bằng chứng hoặc phát triển quan điểm riêng. Nội dung do AI tạo ra thiếu đi sự tinh tế và chiều sâu cảm xúc mà sáng tạo con người mang lại, thay vào đó chỉ lặp lại những gì đã có sẵn. Điều này tạo nên một không gian thông tin lạnh lùng và đồng nhất. Trong một thế giới mà mọi ý kiến dường đều có vẻ đáng tin và mỗi bài viết dường như được “thiết kế” để phù hợp với niềm tin của người dùng, chúng ta dễ rơi vào những chiếc bẫy thao túng và các buồng vọng âm2 (“echo chambers”).
Các tổ chức đang phải đối mặt với một thử thách mới trong thế giới đầy rẫy nội dung do AI tạo ra. Việc duy trì giọng nói thương hiệu độc đáo và xây dựng mối quan hệ thực sự với khách hàng trở thành điều quan trọng hơn bao giờ hết. AI có thể dễ dàng bắt chước phong cách viết, vì vậy các tổ chức cần đầu tư vào việc tạo ra nội dung từ con người, những nội dung này phải mang tính cá nhân hoá và cảm xúc trong từng thông điệp. AI nên được xem như một công cụ hỗ trợ trong việc brainstorming ý tưởng và khuếch đại thông điệp, chứ không phải là sự thay thế hoàn toàn. Hơn nữa, các tổ chức cần phải ưu tiên kể chuyện thương hiệu và kết nối cảm xúc để nổi bật giữa “biển” thông tin vô tận của thế giới kỹ thuật số.
Điều này bao gồm việc nhận diện nội dung do AI tạo ra, đánh giá các nguồn thông tin trực tuyến để kiểm tra tính xác thực và nhận diện những sự thiên lệch trong thông tin. Bằng cách đầu tư vào đào tạo kỹ năng số, các tổ chức có thể giúp nhân viên trở thành những công dân kỹ thuật số có trách nhiệm, có khả năng bảo vệ an ninh thông tin và đưa ra những quyết định sáng suốt trong môi trường thông tin ngày càng phức tạp.
Mặc dù những thách thức mà AI mang lại khá rõ ràng, chúng ta cũng không thể phủ nhận những lợi ích tiềm năng của công nghệ này. AI có thể cá nhân hóa trải nghiệm học tập, cho phép người dùng khám phá các chủ đề theo tốc độ và mức độ quan tâm riêng. Ngoài ra, các đề xuất AI có thể giúp người dùng khám phá những nội dung mới và nội dung giá trị mà trước đó có thể đã bị bỏ lỡ. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải sử dụng AI một cách có trách nhiệm và nhận thức rõ về những hạn chế của nó.
Internet là một không gian mà chúng ta cùng nhau tạo ra và duy trì. Bằng cách khuyến khích tư duy phản biện, nâng cao kỹ năng số và phát triển AI một cách có trách nhiệm, chúng ta có thể đảm bảo rằng internet vẫn là một nguồn tri thức, kết nối và phát triển cho tất cả mọi người. Bởi vì một internet đồng nhất sẽ mất đi sức sống và bản chất của nó. Chúng ta không thể để internet trở thành một bản sao mờ nhạt của chính nó – một nơi mà chúng ta học hỏi, phát triển và kết nối.
(1) hố thỏ: là một thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong văn hóa internet để chỉ một tình huống khi một người bắt đầu khám phá một chủ đề hoặc tìm kiếm một thông tin nào đó và dần dần bị cuốn vào một chuỗi các liên kết, video, bài viết hay ý tưởng liên quan, khiến họ mất phương hướng và không thể dừng lại.
(2) buồng vọng âm: là một thuật ngữ dùng để mô tả một môi trường thông tin trong đó các quan điểm, ý tưởng và niềm tin được lặp lại liên tục và không bị thách thức, tạo ra một hiệu ứng “chỉ nghe những gì mình muốn nghe.” Trong một “buồng vọng âm,” các thông tin, quan điểm, hay lý thuyết thường bị cô lập và chỉ được chia sẻ trong một nhóm người có cùng niềm tin, dẫn đến việc thiếu sự đa dạng về quan điểm và dễ dàng hình thành những ý tưởng sai lệch hoặc thông tin không chính xác.